Phương Guru

Khai phóng năng lực sống tự chủ

Tiểu sử về thầy Osho

1. Sinh ra và lớn lên


Osho (1931-1990) là một vị đạo sư hết sức kỳ lạ của thế kỷ hai mươi.

Tên thật của ông là Rajneesh Chandra Mohan Jain. Khoảng trong thập kỷ 70 người ta biết đến ông với tên Bhagwan Shree Rajneesh. Tháng 2 năm 1989, ông tự đổi tên là Osho. Osho vốn là danh xưng tiếng Nhật Bản cổ, có nghĩa là “đạo sư” của một dòng Thiền. Tác phẩm bạn đọc đang cầm trên tay, Cuộc đời của luận sư Rajneesh Chandra, kể lại cuộc đời lạ lùng và quan niệm của ông về nhiều vấn đề, thế tục cũng như tâm linh.

2. Hành trình giác ngộ tâm linh Osho

Sau khi có học vị thạc sĩ Triết học tại Đại học Saugar năm 21 tuổi và đạt tới giác ngộ (Samadhi) vào năm 1970, Osho du thuyết nhiều nơi trên đất Ấn. Ông bắt đầu truyền giảng những khái niệm tâm linh mới mẻ gây tranh cãi, như thông qua dục (Sex) để đạt siêu tâm thức (Super-Consciousness) và đưa ra phương pháp thiền mới, gọi là thiền động (Dynamic Meditation) – một sự pha trộn các tư tưởng triết học và đạo giáo lớn đương thời. Tư tưởng của Osho lan tỏa khắp mọi nơi, thu hút hàng ngàn môn đệ trên toàn cầu.

Qua nhiều biến động, Osho di cư từ Ấn Độ sang Mỹ để chữa bệnh, rồi bị trục xuất quay về Pune (Poona) ở nước nhà. Osho yếu dần và “rời thân thể” năm 1990. Ông để lại cả một gia tài sách và những bài giảng ghi hình ghi âm lên tới 7000 giờ lưu trữ bằng 47 thứ tiếng, các hình thức tập thiền và một trung tâm tu học rộng 16 mẫu đất (khoảng 162.000 m2) cách Bombay 100 dặm.

Osho không theo bất kỳ tín ngưỡng nào. Ông cũng không truyền giảng bất kỳ đạo giáo nào. Thứ duy nhất ông thuyết giảng là Đạo, với quan niệm Thượng Đế nằm trong vạn vật. Với sứ mạng tạo một thế giới tỉnh thức, Osho đưa ra và muốn phổ biến hình ảnh về con người mới – được ông gọi với cái tên Phật Zorba.

3. Osho – Cái tôi và tâm trí

Theo Osho mỗi người đều là một vị Phật với khả năng để giác ngộ, để yêu không cần điều kiện gì và để chủ động phản ứng thay vì bị động đối với cuộc sống, mặc dù cái tôi của mỗi người thường cản trở điều này. Cái tôi tự kết nối con người với các tiêu chuẩn xã hội và tạo ra các nhu cầu và mâu thuẫn giả tạo, gây ra một cảm nhận cái tôi tưởng tượng mà chỉ đóng vai trò rào cản của những ước mơ. Nếu không bị cản trở như vậy bản thể của con người có thể nở hoa trong một quá trình dịch chuyển từ ngoại vi vào trung tâm.
Osho đánh giá tâm trí đầu tiên và trước nhất là một cơ chế sống còn, nhân rộng các hành vi mang tính chiến lược đã giúp con người thành công trong quá khứ.Nhưng sự hấp dẫn của tâm trí đối với quá khứ, ông nói, đã làm con người mất đi khả năng sống thực sự trong hiện tại, khiến họ phải kiềm chế những cảm xúc chân thật và tự ngăn trở bản thân trải nghiệm sự vui tươi nảy sinh một cách tự nhiên khi sống với khoảnh khắc hiện tại: “Tâm trí không có khả năng vui vẻ tự thân… Nó chỉ nghĩ về niềm vui mà thôi.” Kết quả là con người tự đầu độc chính mình với mọi kiểu điên loạn, ghen tỵ, và cảm giác không an toàn. Ông lập luận rằng sự đè nén tâm lý, thường được các nhà lãnh đạo tôn giáo ủng hộ, khiến cho những cảm giác bị đè nén trở nên nổi bật hơn, và việc đè nén tình dục dẫn đến những xã hội bị ám ảnh bởi tình dục.Thay vì đè nén cảm xúc, mọi người nên tin tưởng và chấp nhận bản thân mình vô điều kiện.Điều này không đơn thuần chỉ được hiểu theo góc độ trí tuệ, vì trí tuệ chỉ có thể đồng hóa nó như là một mảnh ghép của thông tin: thay vào đó hành thiền mới là điều cần thiết.

 

4. Thiền osho

Osho cho rằng thiền không chỉ là một liệu pháp thực hành mà còn là một trạng thái nhận thức được duy trì trong từng thời điểm, một nhận thức tổng thể đánh thức cá nhân khỏi giấc ngủ của phản ứng cơ học được niềm tin và sự mong đợi điều khiển. Ông áp dụng tâm lý trị liệu phương Tây trong các giai đoạn chuẩn bị cho thiền định để con người nhận thức về các mô hình tinh thần và cảm xúc của chính họ.
Osho đã đề xuất hơn 100 kỹ thuật thiền định. Kỹ thuật “thiền động” của ông được đặc trưng bởi các giai đoạn hoạt động thể chất sau đó là sự im lặng. Kỹ thuật nổi tiếng nhất trong số này vẫn là Thiền động, được mô tả như là một mô hình thu nhỏ giáo lý của ông.Thiền động được thực hiện với mắt nhắm hoặc bịt mắt, bao gồm 5 giai đoạn, 4 trong số đó có âm nhạc kèm theo. Đầu tiên, người tham gia thiền sẽ có mười phút thở nhanh qua mũi. Mười phút của giai đoạn thứ hai là dành cho sự xúc động: “Hãy để bất cứ điều gì đang có xảy ra… Cười, la hét, khóc, nhảy, lắc-bất cứ điều gì bạn cảm thấy muốn làm, hãy làm điều đó!Tiếp theo, trong mười phút mọi người bật nhảy lên xuống với cánh tay nâng lên, hét lên “Hu!” mỗi lần một người rơi xuống với bàn chân chạm đất. Ở giai đoạn thứ tư, giai đoạn im lặng, người tham gia thiền ngừng chuyển động đột ngột và hoàn toàn giữ nguyên bất động trong mười lăm phút, chứng kiến mọi thứ đang xảy ra. Giai đoạn cuối cùng của thiền bao gồm mười lăm phút khiêu vũ và ăn mừng.

5. Osho để lại cho đời nhiều giá trị

Osho để lại một số lượng tác phẩm đồ sộ với hàng trăm cuốn sách và vô số các bài thuyết giảng. Ông là một người gây nên rất nhiều tranh cãi trong số những ai quan tâm đến triết học phương Đông, trong giới những người tầm cầu tôn giáo và đạo sư. Có thể nói, ông là một trong những người gây phân hoá cùng cực nhất về mặt đạo lý, nhưng cũng là người có sức thu hút mạnh mẽ nhất trong các bài giảng về tôn giáo và triết học. Nhưng có lẽ điều này nằm trong ý đồ đích thực của một con người “nổi loạn” như ông.

Nhân cách của Osho có một sức thu hút mãnh liệt, nó biểu hiện trong những bài luận giải xuất chúng của ông về mọi vấn đề tôn giáo và triết học, kể cả về các bộ kinh lâu đời nhất mà nhiều vị luận sư đã dày công trình bày. Những ai đã gặp ông đều thừa nhận Osho có một tài hùng biện đầy ma lực, một sự hấp dẫn cá nhân mà người nghe hầu như không thể cưỡng lại. Song song với những công trình luận giải vĩ đại đó thì tập thể quần chúng và đệ tử do ông hướng dẫn lại gây nên rất nhiều tai tiếng, thậm chí có kẻ trở thành tội phạm.

Sự thật về con người Osho nằm ở đâu? Thiết nghĩ khó có ai trả lời được và điều này có thể cũng lại nằm trong chủ đích của chính ông. Chính ông cũng nói về triết học của mình là một thứ triết học phi triết học (philosophy of no philosophy). Tuy thế, một khi độc giả đã cầm quyển sách này trong tay, một lời dẫn nhập ngắn nhằm giới thiệu con người và quan niệm của Osho có lẽ sẽ giúp độc giả hiểu được một phần con người kỳ dị này của thế kỷ trước. Đó là mục đích của bài này.

Trước hết, trong những năm 60, Osho là giáo sư triết học tại đại học Jabalpur, Ấn Độ. Về bản thể luận, ông là người có một quan niệm Nhất thể (Monism) về vũ trụ. Đối với ông, Thượng đế nằm trong mọi vật, nằm trong mọi con người. Không hề có sự phân biệt nào giữa “Thượng đế” và “phi Thượng đế”. Toàn thể mọi con người, dù là người tồi tệ nhất, đều thiêng liêng cả. Mọi dạng xuất hiện của một thứ năng lượng mang tên là “Thượng đế” đối với ông đều đáng ngưỡng mộ và điều này sẽ thể hiện trong quan niệm hành trì mà ông muốn truyền bá.

Đối với đời người, Osho cho rằng giá trị cao cả nhất của cuộc đời là lòng yêu thương, sự vui cười và thiền định. Niềm ân thưởng vô giá nhất của cuộc đời là trải nghiệm được sự giác ngộ tâm linh (spiritual enlightenment). Sự giác ngộ đó được ông miêu tả là “nằm yên trong trạng thái bình thường của sự hiện hữu của tất cả mọi vật đang dựng xây vũ trụ”. Con người chúng ta lẽ ra ai cũng có thể trải nghiệm được trạng thái giác ngộ đó, nhưng sự thực là con người bị đánh lạc hướng do hoạt động tư duy cũng như do mong ước và dục vọng sinh ra bởi sự ràng buộc của xã hội. Vì thế, thay vì hưởng được niềm vui cao cả của sự hữu hiện, con người rơi vào một tình trạng của sợ hãi và ức chế. Ông quan niệm rằng, muốn trở lại trạng thái hồn nhiên và an lạc, con người phải tự mình giải thoát khỏi sợ hãi và ức chế.

ĐĂNG KÝ NGAY